Thời điểm quan hệ tình dục an toàn với từng nhóm bệnh tim mạch
Từng bị đau thắt ngực, đau tim hoặc sau phẫu thuật tim, nhiều người bệnh thường băn khoăn đặt câu hỏi khi nào có thể quan hệ tình dục an toàn trở lại.
Khi nào "chuyện ấy" không an toàn với người bệnh tim mạch?
Nếu người bệnh trải qua một cơn đau tim hoặc sau thủ thuật tim mạch, người bệnh có thể thực hiện một bài kiểm tra tập thể dục, để có thể đánh giá xem trái tim của mình phản ứng như thế nào với việc tập thể dục.
Một số dấu hiệu cho thấy tim của bạn đang làm việc quá sức:
- Đau ngực hoặc nhịp tim nhanh
- Cảm thấy lâng lâng, chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Buồn nôn
- Khó thở
- Mạch không đều hoặc nhanh
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trên đây, hãy tránh quan hệ tình dục và trao đổi ngay với bác sĩ chuyên khoa. Trong trường hợp, bạn nhận thấy những triệu chứng này trong (hoặc ngay sau khi) quan hệ tình dục, hãy ngừng hoạt động đó và thu xếp gặp bác sĩ sớm để tránh các nguy cơ có thể xảy ra như "thượng mã phong".
Thời điểm có thể quan hệ tình dục với từng nhóm người bệnh tim mạch
BS. Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết:
Người có bệnh tim nhẹ như suy tim độ I- II, tăng huyết áp giai đoạn I – II nếu duy trì hoạt động tình dục nhẹ nhàng, vừa sức sẽ có lợi cho tim mạch. Người bệnh tăng huyết áp giai đoạn I – II lưu ý một số thuốc điều trị tăng huyết áp có thể ảnh hưởng đến chức năng tình dục, vì vậy nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ tim mạch, nếu gặp phản ứng phụ cần báo với bác sĩ để được điều chỉnh.
Với người tăng huyết áp giai đoạn III, có huyết áp tối đa trên 180mmHg và người suy tim nặng hoặc thiếu máu cơ tim cục bộ cần lưu ý điều chỉnh hoạt động tình dục để tránh các nguy cơ tai biến có thể xảy ra.
Người suy tim độ III nên tránh quan hệ tình dục khi quá trình điều trị bệnh chưa ổn định, sức khỏe chưa đảm bảo để phòng tình trạng bệnh nặng hơn, xuất hiện rối loạn nhịp tim và thiếu máu cơ tim. Nếu đang quan hệ tình dục, người bệnh cảm thấy mệt, khó thở, tốt nhất nên thay đổi tư thế để giảm độ gắng sức trong hoạt động này lại.
Người bệnh bị thiếu máu cục bộ cơ tim do hẹp động mạch vành đã được điều trị ổn định có thể hoạt động tình dục với tần suất và mức độ phù hợp. Khi có biểu hiện đau ngực thì cần tránh hoạt động tình dục và dừng ngay nếu có biểu hiện đau ngực khi đang có hoạt động tình dục.
Những người sau phẫu thuật tim mạch có thể bắt đầu chuyện ấy trở lại một cách từ từ sau thời gian phẫu thuật 2 đến 3 tuần khi sức khỏe đã ổn định, khi người bệnh có thể đi cầu thang bộ 3 tầng.
Người bệnh tim mạch thường gặp vấn đề gì?
Thông thường, ít nhất là 2 tuần đầu sau cơn đau tim, bác sĩ có thể khuyên bạn nên tránh quan hệ tình dục. Sau khi phẫu thuật tim hoặc sau cơn đau tim, các bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh về quan hệ tình dục an toàn.
Mặc dù vậy, các vấn đề sức khỏe có thể khiến người bệnh thay đổi cảm nhận hoặc trải nghiệm tình dục và tiếp xúc gần gũi với bạn tình của mình. Bên cạnh việc lo lắng về việc bị đau tim khi quan hệ tình dục, một số người bệnh có thể cảm thấy:
- Ít quan tâm đến quan hệ tình dục hoặc gần gũi với đối tác của mình
- Cảm thấy tình dục ít thú vị hơn
- Buồn hay chán nản
- Cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng
- Phụ nữ có thể gặp khó khăn khi cảm thấy bị kích thí Nam giới có thể gặp khó khăn trong việc đạt được hoặc duy trì sự cương cứng, hoặc gặp các vấn đề khác.
- Đối tác có thể có cùng cảm xúc với bạn và có thể sợ quan hệ tình dục với bạn
Trong những tình huống đó, hãy nói chuyện với bác sĩ và chia sẻ với bạn đời của mình để tìm ra giải pháp tốt nhất cho sức khỏe và tinh thần của người bệnh.
Theo TS. BS. Ngô Tuấn Anh: Quan hệ tình dục và bệnh tim mạch có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên, để chuyện ấy an toàn, người bệnh cần được bác sĩ tư vấn đầy đủ về lợi ích và những nguy cơ có thể gặp phải để thực hiện quan hệ tình dục đúng mực, mang lại hạnh phúc, giúp giải tỏa stress, tăng tự tin, yêu cuộc sống hơn giúp chiến đấu với bệnh tim mạch.
Theo: Skds
Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc, dược liệu, tư vấn, cần phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.